Ý Nghĩa Cầu Nguyện Trong Đạo Phật

Ý Nghĩa Cầu Nguyện Trong Đạo Phật
Người Phật tử hiểu rằng, không ai có thể ban cho mình toại nguyện những ước muốn, ngoại trừ những ước muốn đó là kết quả của những nhân duyên mà mình từng tạo ra trước đó. Người Phật tử tin luật nhân quả, tin rằng mình không thể trốn chạy nhân quả bằng cách cầu xin tránh khỏi tai họa, bệnh tật, những rủi ro bất trắc, và không thể cầu xin có được bình an, hạnh phúc khi mình chưa từng hoặc ít gieo nhân duyên lành.

Đức Phật dạy chúng ta có thể tránh được nghiệp quả xấu một khi nó chưa hình thành bằng cách thay đổi tâm ý và tạo nhiều nhân duyên lành có tác dụng ngược lại với những nhân duyên xấu ác đã tạo, gọi là chuyển nghiệp.

Đức Phật, chư Bồ-tát và các bậc hiền thánh đều từ bi muốn cứu khổ chúng sinh, nhưng không ai có thể làm trái lại luật nhân quả. Chúng sinh cứ không ngừng tạo nghiệp, do đó không ngừng thọ lãnh quả báo. Cũng như người nghèo khổ khốn khó vì đam mê rượu chè cờ bạc, nếu không chừa bỏ nghiệp đỏ đen, say sưa, nghiện ngập thì không thể có cuộc sống an vui hạnh phúc dù có người giúp đỡ. Không chuyển những nghiệp xấu thì chắc chắn họ sẽ khổ, không khổ vì tù tội cũng khổ vì bệnh tật, khó nghèo v.v… và không có thần thánh, phép màu nào cứu được.

Vì thế mà người Phật tử không cầu xin quyền năng ban bố phước lành, che chở hoạn họa. Vậy người Phật tử cầu nguyện điều gì? Việc cầu nguyện của người Phật tử mang một ý nghĩa khác. Chữ “cầu” trong đạo Phật không có nghĩa là “cầu xin” mà là mong ước, phát nguyện. Cũng như nói “Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh”, không có nghĩa là trên “cầu xin” Phật đạo. Phật đạo đâu ai cho mà cầu xin! Do đó “cầu” ở đây có nghĩa là “mong muốn đạt thành”. “Cầu” chính là ý chí, là tâm hành (nghiệp).

Đạo Phật khuyến khích cầu nguyện không chỉ cho bản thân mà còn cho người khác. Việc cầu nguyện điều gì đó cho người khác mang ý nghĩa cao đẹp thể hiện tấm lòng của mình đối với người đó, thể hiện tình thân thương, thể hiện tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha. Chẳng hạn như cầu nguyện cho ông bà cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu, cầu nguyện cho gia đình bình an hạnh phúc, cầu nguyện cho quê hương, đất nước, cho thế giới, cho nhân loại, chúng sinh được thái bình, an lạc v.v…

Sau mỗi thời kinh, người Phật tử luôn phục nguyện hồi hướng công đức phước báo của sự hành trì tu tập cho bản thân, gia đình và pháp giới chúng sinh, cầu tất cả chúng sinh được an vui, giác ngộ, giải thoát; nguyện được chân trí huệ sáng suốt, tiêu trừ tất cả phiền não, tội chướng… Nội dung cầu nguyện vừa cho mình, vừa cho tất cả chúng sinh, không cá nhân vị kỷ, bình đẳng không phân biệt.

Tóm lại, việc phát nguyện thể hiện ý nguyện, chí hướng và quyết tâm của chúng ta. Phát nguyện cũng là một pháp tu trưởng dưỡng đạo tâm, phát triển đạo hạnh và làm tăng trưởng công đức, phước báo cho người hành trì, tu tập Chánh pháp. Một người Phật tử sơ cơ khi phát nguyện tu tập các pháp lành, thọ trì giới pháp, bỏ ác hành thiện chính là đang “hồi đầu” (quay đầu – chỉ mới quay đầu lại thôi chứ chưa bước đi, hành trì mới là giai đoạn bước đi đến đích), còn “khoảng cách đến bờ giác ngộ, giải thoát, an vui” (giác ngạn, bỉ ngạn) bao xa là tùy thuộc vào mức độ tinh tấn hành trì, tu tập, sự thực hiện lời nguyện của chính mình.

 

_____________________________________________

HỆ THỐNG THƯỢNG PHẨM PHẬT GIÁO PHÁP TẠNG

Chi nhánh 1: 764 Nguyễn Chí Thanh, Phường 4, Quận 11, TP. HCM/ Hotline: 0903.268.036

Chi nhánh 2: 129 Bùi Thị Xuân, Phường 2, TP. Đà Lạt/ Hotline: 0914.951.542

Fanpage: https://www.facebook.com/phaptang.thuongphamphatgiao

Website: https://phaptang.myharavan.com/

Đang xem: Ý Nghĩa Cầu Nguyện Trong Đạo Phật

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên