Ba Hạng Người Thờ Phật

Ba Hạng Người Thờ Phật

Theo Thích Tánh Tuệ: "Trình độ nhận thức về Đức Phật như thế nào thì thờ Phật theo cách ấy. Theo tôi, biết thờ Phật là tốt rồi! Miễn có trăng, trăng khuyết rồi có ngày trăng sẽ tròn ra vậy."

Ba Hạng Người Thờ Phật
(Theo Tỳ Kheo Thích Long Viễn)


Thầy có một vài lời kính thưa với các Phật Tử như sau.
Đức Phật có dạy rằng:
– “Ai muốn tin ta, làm đệ tử của ta, cần phải đủ trí quán sát rồi mới tin, nếu không rõ nguyên nhân ta mà tin ta, thì đó là phỉ báng ta”. Cho nên khi chúng ta tin Phật, thờ Phật và phụng sự Ngài thì chúng ta cần biết rõ mình cần phải làm gì!
***

Ngày xưa trước khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, có một lần A-Nan là thị giả của Đức Phật có bạch với Ngài rằng:
- “Kính Bạch Đức Thế Tôn, tại sao có những gia đình thờ Phật, gia đình rất là hạnh phúc ấm cúng, vợ chồng thì hòa hợp, con cái đều ngoan ngoãn, cầu mong gì đều được toại ý hết? Tuy nhiên cũng có những người thờ Phật, tại sao gia đình lại xào xáo bất an, con cái thì ngỗ nghịch, vợ chồng ly tán, những sự mong cầu đều không toại ý.”
Thì Đức Phật dạy rằng:
– “Này A-Nan, ở trong thế gian này có 3 hạng người thờ Phật. Con có biết thế nào là ba không?”
A-Nan bạch rằng:
– “Bạch Đức Thế Tôn con không biết, cầu xin Đức Thế Tôn vì con và vì tất cả chúng sanh trong đời tương lai mà khai mở con mắt Phật Nhãn này!”
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn của chúng ta mới dạy:
– “Trong thế gian này có 3 hạng người thờ Phật, hạng thứ nhất: Đệ tử của ma thờ Phật, hạng thứ hai: Hàng trời, người thờ Phật, hạng thứ ba: Đệ tử của Phật thờ Phật.”
Sau đó Đức Phật mới phân tích:
– “Con có biết thế nào là đệ tử của ma thờ Phật không?”
A-Nan bạch:
– “Con không biết!”
Đức Phật dạy rằng:
– “Tuy rằng trên danh nghĩa thờ Phật nhưng không có chánh tín, bị ‘đồng bóng’ mê hoặc, ‘xin xăm’, ‘cúng tế’, cầu đảo ‘quỷ’, ‘thần’ không tin ‘Nhân Quả’ tội - phước thì những hạng người này là đệ tử của ma thờ Phật. Khi chúng ta thờ Phật như thế thì Tam Bảo không chứng minh, Hộ Pháp không thủ hộ và cái bọn oan hồn, yểu tử và những bọn ma kia nó có cơ hội quấy phá. Cho nên trước khi thỉnh Phật về thờ chúng ta cần phải biết rõ, đặc biệt là không bị đồng bóng mê hoặc. Ở trong thế gian này, bây giờ Thầy thấy tình trạng mà am mọc lên như nấm và mọi người dường như ai cũng có ‘căn’ hết. Thì nguyên nhân vì sao chúng ta có ‘căn’ mình phải biết rất rõ: Thật ra! Những người nhập vào đây (trước chư Phật thầy nói không có hổ thẹn, bởi thầy nói đúng theo những gì Phật dạy, những gì Tổ truyền). Tức là những người mà nhập vào đa phần là ‘ma dân’ hết, mà ngày xưa ông bà mình hay gọi là loại ‘ma khôn’. Tại sao Thầy dám khẳng định như thế? Thật ra Đức Thế Tôn đã chỉ dạy cách đây 2500 năm trước. Trong con người mình có năm phần ‘Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức’, trong đó Tưởng uẩn hoạt động vượt trên sự hiểu biết của con người và phàm phu. Ngày xưa ngoại đạo chỉ cần hưng khởi Tưởng uẩn thì xuất hiện năm phép thần thông, cho nên cùng một con ma có thể phân ra cùng một lúc nhiều thân nhập vào nhiều người khác nhau, nhưng nhập vào những người đó, cùng một con ma nó có thể sở hữu đến nhiều năng lực khác nhau. Có nguời nó nhập vào biết trước được sự việc một, hai ngày rất chuẩn xác, hoặc là nó báo trước, tiên tri trước năm, bảy chục năm là chuyện bình thường. Tuy nhiên cũng có những con nó nhập vào không biết gì hết. Tại sao? Tại vì nó không có thần lực gì hết, nó chỉ mượn tâm mình có sẵn mà dùng thôi, chúng ta cần phải biết rõ như thế! Cho nên thường thường khi nó nhập vào, nếu nó nói: Tui là ma nè! Thì ai theo? Cho nên mình phải để ý, con ma sẽ tự nó xưng cho to, cho lớn. Còn đối với Chư Thiên, họ không bao giờ nhập vào trong cơ thể con người của mình các vị nhớ kỹ điều đó! Chư Thiên mỗi khi đến, họ đứng cách xa ra bốn mươi ngàn dặm bởi vì thân thể con người mình rất là uế trược (ghê gớm lắm) họ nhìn còn hơn cả một đống phân, thì không có dại gì họ lại đun đầu chui vào trong cái đống phân đó. Tuyệt đối không có. Bởi vì Chư Thiên tức là những vị trời, thân thể của họ được kết tinh bởi phước báu và nghiệp lực mà tạo thành, nó hoàn toàn tinh khiết và thanh tịnh tuyệt đối. Cho nên mình phải tin chắc, kiên quyết rằng đệ tử Phật cần phải biết! Đừng có bị đồng bóng mê hoặc. Đây là vấn đề đầu tiên Đức Phật đã chỉ dạy. Bởi vì Đức Phật của chúng ta Ngài có một trí tuệ gọi là “bậc Toàn Năng , Toàn Tri, Toàn Giác, Toàn Thiện và Toàn Mỹ”. Cái trí tuệ của Ngài có thể nhìn xuyên suốt quá khứ, hiện tại và vị lai không có chướng ngại. Cho nên, Ngài biết trước rằng sau này trong đời Mạt Pháp sẽ đẻ ra một loại là đồng bóng. Vì vậy trong bài kinh “Phân Biệt”, Đức Phật đã nói rất rõ ‘đệ tử ma thờ Phật’ là như thế nào, tức là trên danh nghĩa thờ Phật mà lại tin những việc tà vạy trong thế gian, không có chánh kiến, bị đồng bóng mê hoặc, xin xăm, cúng tế, cầu đảo quỷ thần (xin xăm như chúng ta xin xăm bà, xăm ông ‘lắc,lắc,lắc’ rớt ra một cây rồi mình coi thử xăm thượng hay xăm hạ thì cái đó cũng thế). Cầu đảo quỷ thần là sao? Bây giờ chúng ta thỉnh tôn tượng Phật, Bồ Tát về thờ nhưng khi gặp nguy biến thì lập tức chạy tới ‘am’, quên Đức Phật đang ngự trong nhà mình, bởi vì mình xem đây chỉ là tôn tượng không có thần lực gì hết, bây giờ mình chạy tới am nhanh hơn về nó “ợ, ngáp” một cái là về nói: Đó…! Cho nên mình phải biết rõ vấn đề này và đệ tử Phật không bị những vấn đề này lừa dối. Mình phải xem đây là Đức Phật thật đang ngự trong nhà mình, và mình phải tin vào triết lý Nhân Quả. Nhân Quả là gì? Tức là mình gieo nhân nào mình gặt ngay kết quả đó, không thể sai được! Không ai có thể ban phước hay giáng họa cho mình, tự mình là chỗ nương tựa cho chính mình mà thôi. Mình làm thiện mình gặt quả báo thiện, mình làm ác mình gặt quả báo ác đó là lý ‘Nhân Quả’ cho nên: Đức Phật dạy rằng: “Các con không nên tin ta mà phải tin vào lý Nhân Quả”.

Tức là đối với đạo Phật, đạo Phật là gì? Đạo Phật tức là đạo ‘Nhân Quả’; mà đạo ‘Nhân Quả’ này có một nhân bản đạo đức, đó là không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Những người tu hành là tại gia hay xuất gia mà không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh, hiểu biết chơn chánh gieo nhân nào gặt kết quả đó thì đây là đệ tử của Đức Phật, xứng đáng gọi là Phật Tử. Cho nên chúng ta cần phải để ý!

*Câu chuyện dẫn chứng:
Các vị nói rằng:
– “Thầy nói Nhân Quả nhưng con không tin, tại sao? Con hằng ngày đi làm từ thiện, con đi giúp người mà tại sao cuộc sống của con cứ khổ hoài? Nếu con làm thiện quả báo con phải gặt là kết quả vui chứ? Còn cái người ở gần nhà con, họ ăn ở độc ác lắm! Như thế mà tại sao họ rất là giàu có, gia đình lại ấm cúng như vậy?” Thì thật ra suy nghĩ này của chúng ta rất là nông cạn. Nhân Quả nó liên tiếp nhau, và nó chi phối chúng ta trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Có nhiều khi chúng ta gieo nhân ở đời này, ngay đời này gặt lấy kết quả, cũng có khi chúng ta gieo nhân ở đời này, qua đời sau mình mới gặt kết quả, cũng có khi chúng ta gieo nhân ở đời này, qua đời thứ ba, thứ tư và vô lượng kiếp sau mới gặt lấy kết quả cho nên Đức Phật dạy:
– “Ta thường thấy kẻ yêu nghiệt mà được hưởng phước còn người hiền lành lại gặp tai họa, sở dĩ có sự trái ngược như thế là vì: nhân – quả, thiện – ác chưa tới ngày chín, chứ nhân – quả, thiện – ác tới ngày chín rồi. Thời kẻ ác phải chịu khổ mà người lành được hưởng vui, kìa như đánh người thì người đánh lại, gây oán với người thì người oán lại, cho đến mắng giết hay sân nộ với họ thời bị họ phản ứng như thường. Vì người đời si mê không biết Chánh Pháp cho nên không hiểu lý nhân – quả của ba đời đấy thôi, mạng sống của ta đây có được là bao mà gây ác làm chi. Chớ coi thường ác nhỏ cho là ít lỗi, giọt nước tuy ít nhưng chứa dồn đầy thùng, tội nhiều đầy dãy cũng do chứa từ ít mà thành. Cũng chớ coi thường chút phước lành cho là không phước, giọt nước tuy ít nhưng chứa dồn đầy lu, phước đức đầy dãy cũng do chứa từ mảy mún mà thành.” Cho nên, chúng ta cần phải để ý! Dù một việc làm ác nhỏ, chúng ta cũng phải gặt lấy kết quả của nó trong tương lai; một việc thiện nhỏ chúng ta cũng sẽ gặt lấy kết quả của nó trong tương lai, không thể sai được! Có đôi khi trong cuộc sống của chúng ta có quá nhiều ấp ủ, quá nhiều sự thăng trầm trong cuộc đời, đặc biệt là trong công việc làm ăn, rồi chúng ta không biết nương vào đâu, chúng ta tự tạo nên cho mình một vị Thượng Đế hay Thần Linh rồi bắt buộc mình nương vào những vị đó, khẩn cầu những vị đó. Nhưng nếu Thượng Đế hay Thần Linh thật sự tạo ra con người, tạo ra muôn loài, thì các Ngài phải công bằng chứ, nhưng chúng ta thấy rằng các Ngài rất bất công, quá nhiều sự bất công trong thế gian này, quá nhiều sự phân biệt ở trong thế gian này và quá nhiều sự đau khổ trong thế gian này. Cho nên nếu nói Thượng Đế hay Thần Linh thì chính con người là Thượng Đế hay Thần Linh của chính mình, mà đối với Phật Giáo là Nhân Quả. Bởi vì triết lý Nhân Quả này, Đức Thế Tôn đã giác ngộ toàn triệt và Ngài dùng sự chứng ngộ của Ngài, dùng con mắt Tuệ Nhãn của Ngài (Tuệ Nhãn tức là con mắt trí tuệ) mà nhìn xuyên suốt tất cả nghiệp lực của chúng sanh, sau đó Ngài mới nói. Cho nên đối với đạo Phật, tuy rằng có thể gọi là đạo tâm linh, nhưng cũng gọi là một đạo tuyệt đối khoa học. Một nhà bác học nổi tiếng người Mỹ đã từng nói rằng: “Sự tiến bộ của khoa học dù nhanh đến đâu, cũng chỉ bằng một điểm dừng nhỏ của Phật Pháp.”

Đối với Phật Giáo, những gì Đức Phật nói đều có sự chứng nghiệm tuyệt đối qua sự tương chứng của chính bản thân mình. Cho nên là đệ tử Phật, trước khi thỉnh Phật về thờ, thì chúng ta cần phải biết tránh xa hạng người thứ nhất: “Đệ tử của ma thờ Phật”, mà muốn tránh xa thì trước tiên chúng ta không bị đồng bóng mê hoặc. Tức là kể từ đây các vị không đi am nữa, tại vì sao? Lúc nãy Thầy đã phân tích rất rõ, chúng ta không đi am, không bị đồng bóng mê hoặc thì thờ Phật mới có lợi ích. Chúng ta thờ Phật rồi, thì nên phát tâm Quy Y với Phật; Quy Y là sao? Quy tức là quay về, Y là nương tựa y theo. Đem cả tâm mạng của mình giao phó cho Bồ Tát Quán Thế Âm, mình xem đây chính là người mẹ của mình và đúng sự thật như thế! Bồ Tát Quán Thế Âm là mẹ của tất cả các bà mẹ ở trong thế gian này! Chúng ta cần phải biết như thế! Khi các vị hứa với Thầy là sẽ không đi am, thì các vị thỉnh Phật về thờ, còn nếu không thì không nên! Tại vì nếu chúng ta đi vào cái hạng ‘đệ tử của ma thờ Phật’ thì chúng ta thờ Phật không lợi ích gì hết, mà khi chết đọa địa ngục không kịp trở tay, Đức Phật nói như thế! Tại vì chúng ta thờ Phật mà trong tâm là tâm tà, Đức Phât nói rằng:

– “Nếu trong tâm các ông là ma, thì Phật có đến Phật cũng hóa ra ma. Nếu tâm của các ông là Phật, thì ma có đến ma cũng hóa ra Phật.” Như thế, Đức Phật nói tất cả đều do tâm của chúng ta, nếu tâm của chúng ta tôn kính Bồ Tát Quán Thế Âm, buông mạng cho Bồ Tát Quán Thế Âm, đem cả thân tâm của mình giao phó cho Bồ Tát Quán Thế Âm thì chúng ta tôn ngưỡng, kính ngưỡng, phụng thờ, thỉnh Ngài lên; còn nếu như chúng ta thấy rằng chúng ta thờ Phật chỉ là một cái hình thức thôi, nhưng trong tâm tà không thể trừ được thì không nên ! 

** Rồi Đức Phật phân tích tiếp: 

– “Con có biết thế nào là hàng trời người thờ Phật không?”

A-Nan bạch:

– “Kính bạch Đức Thế Tôn, con không biết?”

Đức Phật dạy:

– “Những người thế nào là hàng trời người thờ Phật? Tức là những người này tin sâu vào lý Nhân Quả và tránh xa hạng người thứ nhất là đệ tử của ma thờ Phật”.

Thầy nhắc luôn là hiện giờ, Thầy thấy đa phần là mười người nhưng so hết bảy tám người. Một bên chúng ta thờ Phật, một bên chúng ta thờ Chúa Tiên, Cửu Thiên hoặc Địa Mẫu rồi một bên chúng ta thờ Ngài Quan Thánh Đế Quân thì vấn đề này chúng ta cần phải nhìn nhận một cách nghiêm khắc.

Tại sao? Thứ nhất chúng ta đã từng đến với Phật, chúng ta phải hiểu rõ Phật là bậc tối thượng, là bậc Thầy của tất cả chúng sanh, Đạo Sư của mười Pháp giới, Thầy của trời, người; như thế chúng ta Quy Y Phật, không Quy Y ‘trời, thần, quỷ, vật’ mà bây giờ chúng ta thờ trời, Chúa Tiên tức là thuộc về cõi trời, Cửu Thiên cũng vậy. Tại sao lại gọi Cửu Thiên Huyền Nữ? Tức là vị này là con của Ngọc Hoàng Thượng Đế, Cửu Thiên tức là đứng chín cung ở cửa Trời thuộc hệ phái nữ, mà Ngọc Hoàng Thượng Đế tên là Thích Đề Bà Na Dân hay Thích Đề Hoàn Nhơn gọi tắt là Vua Trời Đế Thích Sakka (đó là tên của Ngài ). Ngài là một vị đại Hộ Pháp trong Phật Giáo.

Có một lần khi Đức Phật nhập vào đại định, thậm chí chính bản thân Ngài còn không dám đến trực tiếp đảnh lễ Đức Phật, không dám đến gần. Thì bây giờ giả sử chúng ta thờ Chúa Tiên, Cửu Thiên lên thì như thế nào? Giả sử cha ông đến đảnh lễ Đức Phật thì nhìn thấy đứa con mình ngồi bên cạnh Đức Phật đó rồi sao? Rất khó và rất tổn phước cho chính bản thân mình. Mà khi chúng ta thờ trời như thế thì Tam Quy không thành rất nguy hiểm! Tại vì Tam Quy – Ngũ Giới là một cái nhân thừa. Tại vì nếu chúng ta thọ trì Tam Quy – Ngũ Giới thì kiếp sau chúng ta quay lại làm người, đó là cái nhân để chúng ta tạo nên cái quả làm người sau này. Cho nên Quy Y Phật rồi: không Quy Y ‘trời, thần, quỷ, vật’. Sau nữa chúng ta thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, cần thân gì Ngài hiện thân đó, cần thân trời Ngài hiện thân trời, cần thân Phật Ngài hiện thân Phật, cần thân quỷ, thần Ngài hiện thân quỷ, thần, bởi vì Bồ Tát Quán Thế Âm thần lực của Ngài không thể tưởng tượng nổi, công đức và thần lực của Ngài chúng ta không thể nói hết. Thậm chí Đức Phật nói rằng:

– “Mười Phương Chư Phật tụ hợp một nơi khác miệng, đồng lời, diễn nói vô cùng kiếp cũng không hết được công đức của Bồ Tát Quán Thế Âm”. 

Bởi vì Ngài quá từ bi. Trong quá khứ, Ngài đã thành Phật lâu xa lắm rồi nhưng vì thương xót những đứa con của mình đang lăn lóc trong sanh-tử, Ngài hiện thân trở lại làm Bồ Tát; Ngài đã thành Phật thuở lâu xa thời lấy hiệu là “Chánh Pháp Minh Như Lai”, thành Phật trước cả Đức Bổn Sư của mình nữa. Chúng ta thấy mình thường thường đi từ dưới đi lên, nhưng Đức Phật này đi từ trên đi xuống, từ Phật thị hiện lại làm Bồ Tát, một tay Ngài cầm cành Dương Liễu (tay phải), tay trái Ngài cầm bình Cam Lồ, nghĩa là gì? Cái này thể hiện cho bổn nguyện của Ngài Bồ Tát Quán Thế Âm. Cành Dương Liễu chúng ta thấy rất yếu mềm, nhưng dù gió cỡ nào nó cũng không gãy, cho nên mới có câu là : “Khi bão mới hay là cỏ cứng” Thì cành Dương Liễu này dù sóng gió, bão giông cũng không ngã, không gãy.

Nó thể hiện cho tấm lòng nhẫn nhục theo dõi từng bước chân đi của mọi người, của tất cả chúng sanh. Thế bình Cam Lồ là gì? Nó thể hiện cho sự tươi mát, thấm nhuần hạnh nguyện độ sanh của Ngài, tại vì bình Cam Lồ này nó có thể tẩy trừ tất cả uế trược, tam độc trong tâm của chúng sanh (tam độc là độc tham, độc sân, độc si). Cho nên chúng ta thờ Bồ Tát Quán Thế Âm ta phải hiểu, tuyệt đối không được đi vào hàng ‘đệ tử của ma thờ Phật’.

Rồi một bên chúng ta không nên thờ Chúa Tiên, Cửu Thiên nữa, một bên cũng không nên thờ Ngài Quan Thánh, tại sao? Ngài Quan Thánh cũng là một vị đại Hộ Pháp trong Phật Giáo. Thờ Ngài cũng tốt chứ không có gì đáng ngại! Tuy nhiên chúng ta thờ Ngài tuyệt đối không được để hở bất kỳ một sơ suất gì, bởi vì Ngài là một vị thần Hộ Giáo Già Lam (đây là bổn danh của Ngài); Hộ Giáo tức là hộ trì Giáo Pháp, Già Lam tức là cái Chùa, Ngài Quan Thánh này sau khi đánh trận (trong Tam Quốc chúng ta xem qua cũng đã biết rồi) thất thế, do lòng tận trung mà được Ngọc Hoàng Thượng Đế sắc phong là thần và trụ trì ở núi Ngọc Tuyền, làm Vua ở núi Ngọc Tuyền; sau đó được Ngài Trí Khải Đại Sư khai thị và rồi Ngài phát đại Tâm Bồ Đề hộ trì Phật Pháp. Cho nên, chúng ta thờ Phật đã có Ngài, không thờ Ngài bên cạnh nữa, không những có Ngài Quan Thánh mà tám bộ ‘trời, rồng, quỷ, thần’ luôn túc trực xung quanh nếu chúng ta thờ một cách tôn nghiêm.

Chúng ta để ý! Cho nên khi đã thờ Phật thì chúng ta không thờ gì nữa hết.

Bây giờ đi tới đâu, chỗ đó họ nói:

– “Cái mạng con là cái mạng Chúa Tiên hoặc cái mạng ông là mạng Quan Thánh…v.v”

Thì đó là họ y vào sách mà nói, và những sách này xuất phát từ đạo Lão ra. Chúng ta khẳng định rằng, nếu Ngài Quan Thánh độ mình, mình thờ Phật đã có Ngài một bên, mình cứ việc khẩn cầu Ngài không sao hết. Có câu khấn nguyện Ngài là:

“Nam Mô Phục Ma Đại Đế, Quan Thánh Đế Quân, Tả Hữu Nhị Vị Đại Thần”.

Nếu muốn lạy Ngài thì mình cứ đứng trước bàn Phật mà lạy, tại vì đã có Ngài bên cạnh, không thờ nữa, Chúa Tiên, Cửu Thiên cũng thế.

Có một lần Đức Phật nhập định có một vị trời muốn đảnh lễ Đức Phật mà không dám. Bởi vì vị trời đó nói rằng:

– “Nếu tôi đến gần đầu tôi vỡ bảy mảnh tức khắc…”

Bởi vì bên cạnh Đức Phật, Thế Tôn của chúng ta có rất nhiều vị đại oai thần lực rất lớn túc trực xung quanh để bảo hộ Ngài. Nên khi chúng ta thờ Phật rồi không có thờ gì nữa, ai có nói gì nói, mặc kệ! Nếu nói mình đáp lại rằng Bồ Tát Quán Thế Âm có 32 thân, 84 hình đủ hết rồi, thờ thêm chi nữa!

Chúng ta là Phật Tử cũng biết trong kinh ‘Phổ Môn’, ai đi Chùa thì đều biết kinh này (cầu an người ta thường tụng ), trong kinh này đề cập tới 32 thân của Bồ Tát Quán Âm tức là chúng sanh cần thân gì, Ngài sẵn sàng hiện thân đó để mà độ, rồi chúng ta tụng ‘Chú Đại Bi’ thì trong chú này chính là 84 tùy hình của Bồ Tát Quán Âm, đây là vấn đề mà ta cần phải hiểu. Cho nên mình thờ Bồ Tát rất tốt và đủ hết, không thờ gì nữa! Vì thờ Bồ Tát cũng chính là đại diện thờ ba đời mười phương Chư Phật.

‘Hàng trời người thờ Phật’ là họ quan trọng hai chữ chăm sóc và rất kỹ lưỡng, bởi vì mục đích của mình thờ Phật là gì? Nhờ công đức thờ Phật này hiện tại gia đình mình được đầm ấm, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, vợ chồng hòa thuận với nhau, khi chết nương vào công đức này chúng ta tái sanh vào cảnh giới tốt hơn, khỏi đọa vào Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sanh, thì đó chính là mong cầu, ước nguyện khi chúng ta thỉnh Bồ Tát về thờ Thầy chắc chắn đúng như vậy! Bởi vì chúng ta thỉnh về thờ không ngoài những nguyên nhân đó! Có chỗ chúng ta nương tựa vào tâm linh, cầu nguyện, ký gởi, ký tháp tâm linh của mình. Có khi gặp những lúc biến động trong cuộc sống, mình nhìn Bồ Tát với tấm lòng từ bi, khuôn mặt hiền từ như thế thì việc này cũng khiến cho tâm hồn chúng ta lắng dịu bớt những phiền não trong lòng. Rồi nhờ đây, nhờ công đức này, Bồ Tát ở trong nhà của chúng ta, Ngài sẽ dùng 32 thân, 84 hình và 12 đại nguyện để độ chúng sanh. Ngài luôn luôn cứu khổ cho mình, Ngài hiệu là Viên Thông Giáo Chủ, Ngài tu hạnh lắng nghe, tức là Ngài ngồi một chỗ nhưng mà lắng nghe tất cả sự đau khổ của chúng sanh trong mười phương pháp giới mà tùy hình ứng hiện không có chướng ngại, cho nên một danh hiệu khác của Ngài là Quán Tự Tại vì như thế. Ngài biết hết, cho nên mình thờ Ngài rất tốt!

*Rồi sáng ngủ dậy mở cửa ra, nhìn lên bàn thờ, có bụi cũng lau, không bụi cũng lau, đem chân nhang ra ngoài vứt thổi hết, để làm chi? Để mình thỉnh Tứ Thiên Vương vô họ lễ, mỗi buổi sáng như thế là có bốn vị Thiên Vương đi dạo, mà ổng chỉ đến nơi nào thờ Phật thật tôn nghiêm, thanh tịnh và đúng Pháp. Bởi vì Thiên Vương, Chư Thiên, các vị trời họ có Thiên Nhãn gọi là Thiên Nhãn Thông, họ nhìn họ biết hết (à cái cô kia cổ thờ Phật nhưng tâm chưa được chánh, cái tâm còn bất chánh thì các Ngài không tới) mà nếu bàn thờ Phật của mình dơ dáy, bộc bạc thì các Ngài không bao giờ ghé. Cho nên nếu muốn thỉnh các Ngài vào để lễ Phật của mình thì cần phải dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ. Tại sao cần phải thỉnh? Bởi vì bốn vị này thần lực rất lớn, là chủ cả quỷ, thần, chủ cả họa, phúc trong thế gian này, mà khi ổng vô lễ Phật, lễ Bồ Tát rồi thì đương nhiên gia đình mình sẽ bình yên; vì nếu như ông Vua đã vô lễ rồi thì cái bọn lính lác nó phải phục tùng hết, đâu có ai dám đụng tới mình. Đặc biệt thờ Phật đúng Pháp thì có một vị nữa gọi là Kiên Lao Địa Thần (trong kinh ‘Địa Tạng’ có nói về Ngài), Kiên Lao Địa Thần hoặc là Địa Thiên hay Trì Thế Bồ Tát cũng sẽ đến lễ Phật. Ngài này là chủ hết đất đai (chứ không phải ông Địa, ông Thần Tài của mình nha) cho nên vì sao Thầy thờ Phật có ông Địa, ông Thần Tài cũng thỉnh đi luôn, và khuyên họ không nên thờ nữa bởi vì Thầy cho họ biết tới một vị sếp của ông Địa, ông Thần Tài, Vua của ông Địa ông Thần Tài luôn, tức là vị này có thể ban phước, giáng họa, ban cho tài lộc; ông Địa, ông Thần Tài mình thờ, cần cái gì cũng phải thông qua cái ông đây, ổng lớn lắm (ai tụng kinh ‘Địa Tạng’ sẽ biết hoặc trong kinh ‘Phổ Môn’ cũng có nhắc đến vị này). Ngài có một cái câu thần chú rất hay, khi mình trì chú này thứ nhất tà ma, ngoại đạo không dám đụng tới mình, mà nếu có thì nó hộ cho mình luôn, ‘ếm’, ‘chú’, ‘thư’, ‘bùa’, không có cơ hội động tới mình. Người nào ‘ếm’, ‘chú’ gì, mình cho ‘ếm’ thoải mái, tại thần lực của Ngài Địa Thiên dữ lắm; khi trì chú này bao nhiêu bệnh tật đều được tiêu trừ, rồi chuyên trì chú thì tài lộc ông Ngài sẽ đưa tới. Cho nên mình thờ Phật, có Ngài Kiên Lao Địa Thần chủ trong đất đai thì không có một oan hồn, yểu tử nào, yêu ma nào dám quấy động trong vùng đất của mình, nếu thờ Phật đúng Pháp. Như vậy, đây chính là ‘hàng trời người thờ Phật’. Hai chữ ‘chăm sóc’ vô cùng quan trọng. Sáng mình lau bàn, lau ghế mở cửa giữa ra, đừng có đóng nghen, Hộ Pháp ổng chỉ đi cửa giữa chứ không đi cửa hông.Ở chùa cũng vậy, ổng chỉ đi cửa giữa. Cho nên mở cửa giữa ra, lau chùi sạch sẽ, thơm thảo thì rót cốc nước mình cúng Phật, cúng nước là một cách tích tập công đức, sau đó mình lạy 3 lạy và cầu nguyện {Ngày hôm nay con kính thỉnh Mười Phương Chư Phật, Chư Tôn Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng chứng minh cho con, ngày hôm nay con (làm cái gì cái gì đó…) Cầu xin các Ngài phóng đại quang chứng minh gia hộ cho con (thí dụ vậy nghen)} rồi mình lạy xong, mình đóng cửa, mình đi. Đó là Thầy nói những người không có thời gian tu, còn nếu người mà biết tu thì khỏi nói, họ niệm Phật, ngồi thiền, trì chú, sám hối, đọc kinh..v.v. Rồi chiều đi làm về tắm rửa sạch sẽ, lên mở cửa giữa ra rồi lau bàn, lau ghế, một ngày lau cho Thầy hai lần (thiệt kĩ cho Thầy nghen) là bảo đảm trong vòng ba tháng gia đình các vị chuyển hết, cho nên lau bàn, lau ghế sạch sẽ, mở cửa giữa ra, rút hết chân nhang đem lư hương ra ngoài thổi sạch hết, lau sạch hết nghen, vô thắp một cây nhan rồi lạy 3 lạy rồi thưa……!

Tại vì ông Ngài ổng đang lắng nghe mình nói nè, ổng biết hết nhưng để thử xem mình thể hiện tấm lòng thành của mình đối với Ngài như thế nào? Mình thưa hết, cũng giống như người mẹ hiền đó có cái gì cứ đem hủ hỉ tâm sự hết, bao nhiêu oán thù, bao nhiêu tức giận, bao nhiêu buồn vui cứ trút hết cho Ngài, Ngài sẵn sàng nhận lãnh hết mà không bao giờ oán than! Và khi mình than thở như thế, Ngài ổng sẽ thương (à cái cô sao cổ nói tội quá, thí dụ vậy nghen), (Thôi trời nào đó thần nào đó hộ trì giúp đỡ giùm cho nó chút), hoặc giả là ông Ngài ổng hiện thân tới ổng sẽ hỗ trợ cho mình, tạo cho mình những cái thuận duyên trong cuộc sống. Cho nên mình cứ thưa hết (hôm nay con lỡ gây cho bà A kia bả giận, rồi con lỡ làm phiền tới người B, con lở con sát sanh cái này cái kia…… thưa hết, rồi con giúp được cho ai vui, con làm cái gì cái gì…), cứ thưa hết, rồi những cái việc ác con nguyện từ nay trừ bỏ, những cái việc lành con đã làm được, con nguyện con sẽ làm nhiều hơn nữa trong tương lai. Mình thờ Phật như thế, mình lạy như thế, mình nguyện trong lòng mình như thế, đây là một phương pháp ngưng ác, diệt đi các Pháp ác đồng thời sanh thiện và tăng trưởng cái thiện Pháp, thì tức là cái Pháp lành, chúng ta hãy để ý! Đệ tử Phật là chăm sóc Phật cho kỹ nghen.

Thầy bảo đảm các vị làm y như thế này, đừng có đi vào con đường của ‘đệ tử ma thờ Phật’, trong vòng 3 tháng tự nhiên gia đình bình ổn liền lập tức (thí dụ lúc trước mình làm ăn xa cơ thất thế thì bây giờ tự nhiên nó sẽ tạo những cơ hội đến với mình, những sự may mắn đến với mình) bởi vì do phước báu thờ Phật, rồi vợ chồng cũng thế tự nhiên biết thương yêu nhau, rồi con cái tự nhiên nó ngoan ngoãn biết nghe lời. Bởi vì Phật là phước điền của chúng sanh; chúng ta là người nông dân, chúng ta biết rất rõ cái đám ruộng đó, mình gieo hạt giống vô, không lý mình để không đó sao? Gieo xong rồi mà để không nhất định giống cũng thúi đi chết ngắc liền, mình phải cho nước, phải bón phân đúng thời kỳ sau đó sẽ gặt kết quả rất cao. Bây giờ dùng những hành động chăm sóc đó, mình cũng gieo vào trong cái phước điền của Đức Phật, những cái việc làm rất nhỏ nhưng mà phước báu rất lớn, mình lau Phật, mình lau chùi bàn thờ là mình tích tập công đức phước báu cho mình, chính nhờ công đức phước báu đó mà chư Phật hoan hỷ, Hộ Pháp, Chư Thiên ủng hộ, mình sẽ lãnh lấy cái nghiệp thiện mình đã làm cho nên mình để ý kỹ nghen! ‘Hàng trời người thờ Phật’ rất quan trọng hai chữ ‘chăm sóc’, rồi bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà cũng vậy. Bàn thờ ông bà cũng lau chùi sạch sẽ, ngày hai lần y như bàn Phật vậy. Ở trên bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà, không được để bất kì một cái gì ở trong; trên bàn thờ chỉ được để lư hương, bát nước, chân đèn, bình bông, nải quả, một cây đèn dầu. Bàn ông bà cũng dọn dẹp sạch sẽ đừng để nồi, niêu, xoong, chảo, chén, bát… trong đó nghen. Ở quê thường thường có thói quen đó, cái gì không biết đút vô trong bàn thờ ông bà, nhớ lôi hết ra nghen. Tại vì thờ thì phải kính, thờ mà không kính chi bằng đừng thờ, tổn phước! “Tổ điền của ông bà là phước điền của con cái”.

Đức Phật ổng nói rất rõ ràng tức là ông bà là phước điền của con cái (đám ruộng phước). Cho nên mình tới nhà đó, mình muốn biết cái nhà đó làm ăn như thế nào? nhìn bàn Phật, nhìn bàn thờ ông bà biết ngay, mình không cần nói tui tu chứng gì hết; đây là cái kinh nghiệm.

*Câu chuyện dẫn chứng :

Có một lần Thầy đi ra nhà của cô Phật Tử ở Bình Định, Thầy thấy ở dưới nhà có bán xe con, xe honda. Khi lên nhìn bàn Phật, Thầy nói với cô chủ nhà là:

– “Thầy bảo đảm cô làm ăn không bao giờ được.”

Cô đó mới giật mình nói:

– “Ủa! sao Thầy biết?”

Thầy nói là:

– “Thầy chỉ cần nhìn cái bàn Phật thôi.”

Thì cô mới thưa thiệt, cổ nói:

– “Cái xe cộ dưới này là người ta thuê mặt bằng người ta bán”

Cổ lúc trước rất giàu nhưng mà không hiểu sao tự nhiên làm ăn nó sụp một cái tiêu tan hết, bây giờ nợ ngân hàng mấy tỷ.

Tại vì mình chỉ cần nhìn bàn Phật, nhìn bàn ông bà mình biết người đó liền, biết được tâm người này tu tới đâu, hướng về Phật như thế nào và mình biết luôn cái Nhân Quả của người đó trong tương lai, cho nên mình phải để ý!

Quan trọng hai chữ ‘chăm sóc’. 

** Còn cái hạng thứ ba là đệ tử của Phật thờ Phật: Hạng người này khó lắm, tức là thường thường chỉ cho người xuất gia thôi, người tại gia cũng có một chút. Tức là mình hy sinh cuộc đời, mình dấn thân vì chúng sanh mà quyết chí tu học, quyết chí tu chứng để đem lợi ích của Phật Pháp, phổ độ cho chúng sanh, giúp cho chúng sanh thoát khỏi sự đau khổ mà hưởng được cái vui thù thắng vi diệu, thì đó là hạng thứ ba ‘đệ tử của Phật thờ Phật’. Thì bây giờ chúng ta thỉnh Phật về rồi thì một tháng nên ăn chay ít nhất là hai ngày để nuôi dưỡng lòng từ bi, còn người nào ăn nhiều hơn thì tốt, bốn ngày cũng được, sáu ngày cũng được, còn chay trường luôn thì càng tốt, còn nếu mà không được thì một tháng mình ăn chay ít nhất là hai ngày để nuôi dưỡng lòng từ bi.Thì những hạng người thờ Phật này trong kinh có phân biệt rất rõ, còn bình thường không có người chỉ nên Phật Tử bây giờ thờ Phật sai hết, mình nhìn thấy, mình biết mình chỉ họ nghen. Mình biết rồi, ba hạng người là:

1. Một: Đệ tử ma thờ Phật.

2. Hai: Hàng Trời, người thờ Phật.

3. Ba: Đệ tử Phật thờ Phật.

Mình phải biết thật rõ!

 

_____________________________________________

HỆ THỐNG THƯỢNG PHẨM PHẬT GIÁO PHÁP TẠNG

Chi nhánh 1: 764 Nguyễn Chí Thanh, Phường 4, Quận 11, TP. HCM/ Hotline: 0903.268.036

Chi nhánh 2: 129 Bùi Thị Xuân, Phường 2, TP. Đà Lạt/ Hotline: 0914.951.542

Fanpage: https://www.facebook.com/phaptang.thuongphamphatgiao

Website: https://phaptang.myharavan.com/

Đang xem: Ba Hạng Người Thờ Phật

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên