Thượng Phẩm Phật Giáo Pháp Tạng

BẢO THÁP - BIỂU TƯỢNG CỦA TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ TRONG PHẬT THỪA

MGroup 28/01/2024

Bảo Tháp biểu trưng cho Tướng và Tánh của Đức Phật. Xây dựng, thờ phụng Bảo Tháp tạo nên nhiều công đức, phước báu không thể nghĩ bàn. 

1. Lịch sử hình thành và ý nghĩa của Bảo Tháp 

Theo lịch sử Phật giáo, Bảo Tháp đã xuất hiện từ khi Đức Phật còn tại thế. Khi ấy, Ngài Xá Lợi Phất viên tịch để lại rất nhiều xá lợi. Các vị Tăng khác thờ xá lợi của Ngài trong Tăng xá để dân chúng khắp nơi đến chiêm bái, tưởng niệm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng Tăng xá có việc không thể tiếp đón làm cho người dân rất buồn sầu, khổ não. Nhân duyên ấy, Đức Phật dạy chúng Tăng nên xây dựng Bảo Tháp để chứa đựng xá lợi của những vị đã thị tịch.

Bảo Tháp không chỉ chứa xá lợi Phật mà còn là nơi chứa đựng kinh điển, pháp khí, tranh tượng. Bảo Tháp cũng là một trong những đối tượng thiền quán, thường có nhiều ý nghĩa tượng trưng. Các bậc thang lên tháp biểu hiện cho các khái niệm Đại thừa, như bốn bậc là từ, bi, hỷ, xả hay mười bậc là Thập địa…

2. Câu chuyện xây dựng Bảo Tháp của Vua A-dục
Vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử Ấn độ, vua A-dục, vì lòng sùng mộ và kính trọng sâu sắc với Đức Phật, đã phát nguyện xây dựng 84.000 Bảo Tháp để cúng dường lên chư Phật. Ngay sau khi việc xây 84.000 Bảo Tháp được hoàn thành thì có một điều mầu nhiệm thiêng liêng đã xảy ra. Đó là, khi đang đứng trong hoàng cung, Vua A-dục thình lình thấy xuất hiện cùng một lúc tất cả 84.000 ngôi Bảo Tháp và toàn thể cõi Diêm Phù Đề đã được trang hoàng lộng lẫy. Đây là điều thù thắng hi hữu mà việc thờ phụng Bảo Tháp đem lại cho người có phước duyên to lớn.

Ngày nay, có một vài Bảo Tháp do Vua A-dục xây dựng vẫn còn được bảo tồn để thế hệ sau có dịp chiêm bái và học theo một tấm gương vĩ đại trong công cuộc hộ trì Tam Bảo, xiển dương Chánh Pháp.

3. Diệu dụng của việc xây dựng và thờ Bảo Tháp 

Mục đích của việc xây dựng Bảo Tháp là thể hiện niềm tri ân lên chư Phật, lên bậc Thầy giác ngộ. Xây dựng Bảo Tháp tạo nên những lợi lạc đặc biệt, giúp chúng sinh tịnh hóa nghiệp chướng, gieo hạt giống giải thoát, trưởng dưỡng những phẩm chất giác ngộ. Theo Kinh Đại Bảo Tích (Maharatnakuta Sutra), thì:

“Không có sự khác biệt giữa công đức của những vị dâng cúng dường khi Ta còn sống với những vị cúng dường lên một Bảo Tháp sau khi Ta nhập diệt. Tại sao vậy? Bởi Đức Phật là sự hiển bày thanh tịnh của Pháp thân chứ không phải Hóa thân hay thân vật lý”.

Điều này có nghĩa là, Bảo Tháp là biểu tượng của Tam Bảo, là đại diện tinh túy của Pháp thân Phật và là hiện thân của Đức Phật. Vì vậy xây dựng, cúng dường hay đi nhiễu quanh Bảo Tháp có lợi lạc không khác với khi cúng dường lên chư Phật. 

Trong Kinh kể rằng, vào thời Đức Phật Ca Diếp, có một chú lợn do bị chó đuổi đã chạy vòng quanh một Bảo Tháp. Trên mình chú lợn lấm lem bùn đất, trong khi chạy, chú vô tình trát thêm một lớp bùn lên Bảo Tháp. Nhờ công đức nhiễu tháp và xây dựng Bảo Tháp như vậy, kiếp sau chú lợn đó đã chứng đạt giác ngộ giải thoát.

Có câu chuyện khác kể lại rằng, bảy con sâu đang làm tổ trên cành cây thì có một cơn gió mạnh đi qua thổi chúng rơi xuống suối. Dòng nước cuốn chúng trôi theo chiều kim đồng hồ xung quanh một Bảo Tháp cũng đang trôi nổi trên nước. Nhờ công đức nhiễu tháp này mà kiếp sau các chú sâu cũng đạt được giải thoát tối hậu.

Hai câu chuyện trên đây đã tóm lược những diệu dụng thù thắng của việc đi nhiễu xung quanh Bảo Tháp. Ngoài những công đức trên, thì việc xây dựng, thờ phụng và đi nhiễu xung quanh Bảo Tháp đem lại nhiều lợi lạc như sau:

- Nếu như bạn tạo ra được 1.000 Bảo Tháp, bạn có khả năng thông tỏ tất cả giáo pháp của chư Phật;

- Sau khi chết, không bị sinh ở cõi giới thấp;

- Bạn sẽ giống như mặt trời xuất hiện trên trái đất xua tan đi màn đêm trường vô minh bằng trí tuệ toàn tri và sắc thân hoàn hảo;

- Bạn có khả năng nhớ được các kiếp trong quá khứ và biết được các kiếp trong tương lai;

- Bạn có khả năng lắng nghe và ghi nhớ giáo pháp một cách dễ dàng;

- Đức Phật đã dạy trong Vô Cấu Tịnh Quang Đà Ra Ni (Vimala Suddha Prabhasa Mahadharani Sutra) rằng: Những người phạm phải tội ngũ nghịch dẫn đến địa ngục Vô gián, nếu anh ta đi ngang qua bóng của một Bảo Tháp hay nhìn thấy Bảo Tháp từ xa hoặc nghe thấy tiếng chuông của một Bảo Tháp, hay nghe thấy danh hiệu của một Bảo Tháp, sẽ được tịnh hóa năm tội ngũ nghịch hoặc bất cứ nghiệp chướng nào. Nếu nghe được âm thanh cất lên từ tiếng chuông bên trong Bảo Tháp, ngay cả loài chim, đại bàng, loài dơi bay lượn trên đỉnh tháp cũng được giải thoát hay thậm chí chỉ cần chạm vào bóng của Bảo Tháp in hình xuống dưới đất tội chướng cũng được tiêu trừ;

- Đức Phật Thích Ca đã dạy trong kinh điển rằng xây dựng một Bảo Tháp để cầu nguyện cho những ai đã mất thì có ý nghĩa và sức mạnh vô cùng lớn lao, có thể làm thay đổi cảnh giới tái sinh từ cõi địa ngục, ngã quỷ, súc sinh lên cảnh giới cao như cõi người và cõi Trời đồng thời lại có cơ hội được hạnh ngộ Phật pháp;

- Xây dựng Bảo Tháp có thể chữa lành bệnh hiểm nghèo;

- Chắc chắn rằng khi bạn xây dựng Bảo Tháp, không chỉ giúp bạn tích lũy được vô lượng công đức mà còn mang đến niềm hạnh phúc chân thật và thành tựu như ý cát tường.

4. Hướng dẫn cách đi nhiễu Bảo Tháp đúng Pháp

Đi nhiễu Bảo Tháp là pháp thực hành có năng lực vô cùng mạnh mẽ. Điều căn bản của phương pháp thực hành này là bạn cần đi nhiễu Bảo Tháp với tâm chí thành mạnh mẽ và chú tâm không sao lãng.

Một lần khi Đức Atisha đang nhiễu tháp, Dromtonpa đã hỏi Ngài: “Thưa Ngài, tại sao Ngài không nghỉ ngơi một chút? Tại sao không thực hành tích lũy công đức bằng cách ngồi thiền? Tại sao Ngài lại thực hành một pháp bình thường là đi nhiễu tháp như vây?”

Ngài Atisha trả lời: “Ông không hiểu rồi. Pháp thực hành nhiễu tháp bao hàm cả ba hành động của thân, khẩu và ý. Nếu ông chỉ ngồi thiền định, ông chỉ đang thực hành về tâm, không thực hành được hạnh lành về thân và khẩu. Xét về khả năng tích lũy công đức, không có công đức nào lớn hơn công đức của thực hành vi nhiễu Bảo Tháp”.

Khi thực hành đi nhiễu Bảo Tháp với ý thanh tịnh, bạn cần phát khởi tâm chí thành tư duy quán chiếu liên tục về những phẩm chất của Bậc Giác Ngộ tôn quý. Với khẩu thanh tịnh, bạn có thể trì tụng chân ngôn, tán thán và cầu nguyện miên mật. Trong ba nghiệp thân khẩu ý, quan trọng nhất là thực hành đi nhiễu Bảo Tháp với động cơ tâm chí thành thanh tịnh. Khi thực hành lễ lạy cũng như vậy.

Khi đi nhiễu tháp, bạn cũng có thể đọc câu tỳ ni sau:

“Hữu nhiễu ư tháp

Đương nguyện chúng sanh

Sở hành vô ngại

Thành nhứt thiết trí

NAM MÔ TAM MÃN ĐA MỘT ĐÀ NẪM. ÁN ĐỘ BA ĐỘ BA TÁ HA (3 lần)”

Đi nhiễu (đi vòng quanh) Bảo Tháp là để tỏ lòng cung kính với chư Phật. Người thế tục thương mến cha mẹ thường đến ôm cha mẹ để bày tỏ tấm lòng, nhưng đối với Đức Phật, khi hàng Phật tử tỏ lòng cung kính, phải chắp tay đi vòng quanh Ngài ba vòng rồi ngồi xuống gần đó. Khi đi nhiễu Phật hoặc nhiễu tháp thờ xá lợi Phật, đi từ phải sang trái, có nghĩa là cánh tay mặt của chúng ta lúc nào cũng hướng vào bên trong Đức Phật. Đi vòng bên phải là tột bậc thành kính.

----------------------------

Bài viết này được nhóm Hành giả của Thượng Phẩm Phật Giáo Pháp Tạng thực hiện sau chuyến hành hương về đất Phật tại Nepal. Nhân chuyến đi này, chúng tôi có cơ hội được viếng thăm, chiêm bái, được đi nhiễu tháp, được cúng dường và thực hành Pháp dưới bóng tháp dưới sự chỉ dạy của các bậc Chân tu. Nguyện xin hồi hướng mọi công đức, phước báu mà chúng tôi có được trong chuyến hành hương này đến khắp pháp giới chúng sanh đều mau sớm giác ngộ. Nguyện mong ai ai cũng có duyên lành được chiêm bái các Bảo Tháp, được đi nhiễu tháp hoặc cúng dường tháp và thọ nhận tất cả lợi lạc từ những việc lành này tạo nên. Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát. 

Bạn đang xem: BẢO THÁP - BIỂU TƯỢNG CỦA TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ TRONG PHẬT THỪA
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nhận thông tin mới nhất từ Thượng Phẩm Phật Giáo Pháp Tạng

Giỏ hàng

Chat